Cùng học cách bảo dưỡng, chăm sóc, đồng thời khai thác tối đa các tính năng của chiếc đồng hồ mà mình đang sở hữu với những kiến thức bổ ích được tổng hợp trong bài viết dưới đây!
Các chức năng ít được biết đến của đồng hồ kim
Ngoài chức năng xem giờ vốn có, ít ai biết rằng, với một chiếc đồng hồ đeo tay, chúng ta có thể thực hiện được rất nhiều công năng hữu ích khác:
Xác định phương hướng: Trước tiên lấy giờ của thời điểm mà mình cần xác định phương hướng chia cho 2 (chú ý cần tính theo hệ 24 giờ, ví dụ lúc đó là 2 giờ chiều tức là 14 giờ, chia 2 được 7) tìm vạch giờ trên đồng hồ tương ứng với kết quả sau khi thực hiện phép chia rồi hướng nó thẳng về phía mặt trời. Lúc này vạch 12 giờ sẽ chính là hướng Bắc. Dễ dàng xác định các hướng còn lại dựa trên các vạch số của đồng hồ.
Đo nhiệt độ cơ thể: Với đồng hồ đeo tay, ta có thể nhanh chóng xác định một cách tương đối nhiệt độ của cơ thể mà nguyên tắc chính là dựa vào sự tương quan giữa nhịp tim và thân nhiệt. Hãy dùng đồng hồ và theo dõi xem cứ một phút, tim mình đập được bao nhiêu nhịp. Nếu tim đập khoảng 70-80 nhịp/phút thì lúc đó nhiệt độ của cơ thể đang ở mức bình thường (khoảng 36,8-37 độ C). Với mức nhịp tim cao hơn khoảng 100-120 nhịp mỗi phút, nhiệt độ tương ứng sẽ là 37,5-38 độ C, còn khi đo được tim của mình đập 120-140 nhịp/ phút tức là thân nhiệt đã trên 38 độ C.
Mẹo chữa các bệnh thường gặp ở đồng hồ
Đồng hồ bị ngấm nước: Khi đồng hồ bị vào nước, điều cần thiết nhất là cần thao tác nhanh, chính xác và kịp thời để hạn chế tối đa nguy cơ hỏng hóc các linh kiện bên trong. Đối với trường hợp này, ta có thể áp dụng hai cách làm sau:
Đeo ngược đồng hồ lại để mặt số úp vào trong. Lợi dụng thân nhiệt để đẩy hơi nước bốc ra ngoài. Thồng thường sau khoảng 2 tiếng, nước trong đồng hồ sẽ bay hơi hết và ta có thể sử dụng lại bình thường. Trong trường hợp nước vào quá nhiều, cách tốt nhất là đem đến các cơ sở sửa chữa. Ta có thể dùng vài lớp giấy vệ sinh gói kín đồng hồ lại để hút ẩm kết hợp với việc đặt dưới bóng đèn dây tóc 40 W với khoảng cách 15 cm trong khoảng nửa tiếng, hơi nước sẽ nhanh chóng bay đi hết.
Đồng hồ nhiễm từ: Nhiễm từ là một trong những căn bệnh phổ biến của đồng hồ khiến người sử dụng “than trời”. Nguyên nhân chính của việc nhiễm từ là do đồng hồ thường xuyên được đặt sát các thiết bị điện, điện tử như di động, máy tính, tủ lạnh, radio… Khi bị nhiễm từ, sai số của đồng hồ tăng lên rất nhiều khiến việc xác định giờ giấc khó mà chính xác.
Cách đơn giản nhất là lấy một vòng tròn được làm bằng sắt không bị nhiễm từ (thử bằng cách di chuyển vòng tròn đó quanh la bàn, nếu thấy kim la bàn quay thì chứng tỏ nó nhiễm từ), cho đồng hồ lướt qua lướt lại một cách chậm rãi qua vòng sắt đó. Sau vài phút đồng hồ sẽ mất hết từ tính và trở lại bình thường.
Mẹo vặt hay trong quá trình sử dụng và bảo quản đồng hồ
Làm mới mặt đồng hồ: Đồng hồ sau một thời gian sử dụng, trên mặt kính sẽ có nhiều vết xước, để khắc phục, hãy dùng một ít kem đánh răng thoa đều lên bề mặt, rồi dùng bông lau chùi kỹ. Mặt đồng hồ sẽ lại sáng bóng như mới.
Làm sáng bóng dây kim loại: Đối với các loại đồng hồ chịu nước, hãy cho chúng vào trong một chậu nước nhỏ đã được pha sẵn nước rửa chén và ngâm trong vòng 10-15 phút để các cáu bẩn lâu ngày tích tụ trên dây kim loại bị rã ra. Sau đó dùng một bàn chải đánh răng lông mềm chải nhẹ nhàng lên bề mặt dây đeo. Cuối cùng rửa lại bằng nước sạch.
Bảo quản dây da đồng hồ: Nên bảo quản đồng hồ dây da ở những nơi không ráo, tránh hơi ẩm mà đặc biệt là nước nóng. Ngoài ra việc ánh sáng mạnh chiếu trực tiếp vào dây cũng sẽ khiến chúng dễ bị bong tróc và phai màu. Trong quá trình vệ sinh, cần hạn chế sử dụng các chất tẩy rửa mạnh như cồn, oxi già, benzen….